NÊM GIA VỊ CHO TRẺ - KHI NÀO THẬT SỰ CẦN?

NÊM GIA VỊ CHO TRẺ - KHI NÀO THẬT SỰ CẦN?
Theo khuyến cáo, trẻ em dưới 1 tuổi nên hạn chế lượng muối, đường và bột ngọt tiêu thụ trong mỗi bữa ăn. Thậm chí, muối và bột ngọt gần như bị xem là “chất cấm” trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ vì những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe. Vậy, có phải khi nấu thức ăn cho con, mẹ không cần nêm nếm thêm bất cứ thứ gì? Liệu có loại gia vị nào thực sự an toàn cho bé?

1. Trẻ ăn dặm có cần gia vị không?

Đây là nỗi băn khoăn của rất nhiều ba mẹ lần đầu có con. Câu trả lời ở đây là: Không.

Trẻ mới tập ăn dặm hoàn toàn chưa thể phân biệt được mặn nhạt chua cay là gì. Do đó, khẩu vị của bé lúc này sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào khẩu vị của người lớn. Nhiều bậc phụ huynh suy nghĩ nên cho thêm gia vị để con ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, đây là việc làm rất sai lầm của ba mẹ và có thể gây nguy hiểm cho bé. 

Thời điểm mới ăn dặm là lúc các cơ quan trong cơ thể bé chưa hoàn thiện. Trong đó, thận cũng là một bộ phận chưa phát triển đầy đủ cả về cấu tạo và chức năng. Nếu thêm gia vị như muối vào, thận sẽ phải làm việc quá tải dẫn đến khả năng tổn thương rất cao. Đó được coi là ví dụ điển hình của việc nêm gia vị cho trẻ ăn dặm từ sớm. Do có nhiều nguy cơ nên các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ không nêm gia vị cho trẻ khi mới tập ăn.

2 (1)(1)

Hình sưu tầm

2. Khẩu vị của trẻ thế nào?

Các mẹ phải luôn nhớ rằng, khẩu vị của bé luôn nhạt hơn người lớnSố lượng gai vị giác khác nhau giữa trẻ em (dưới 3 tuổi) và người lớn. Ví dụ, các bé có khoảng 10.000 gai vị giác, nhưng người lớn thì chỉ có khoảng 5.000. Báo cáo năm 2005 của trung tâm Monell Chemical Senses, Mỹ cho thấy: Khi mẹ nêm gia vị cho trẻ dưới 1 tuổi, bột/cháo của trẻ thấy vừa miệng mẹ có nghĩa là bột/cháo đó đã rất mặn so với các bé rồi. Do đó, việc dùng lưỡi của cha mẹ thử vị cho thức ăn của bé là không chính xác.

3. Khi nào có thể nêm gia vị cho con?

Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, mẹ tuyệt đối không nêm nếm bất kì loại gia vị nào cho trẻ. Mặc dù, trẻ đã bắt đầu tập ăn dặm từ 6 tháng tuổi, nhưng mẹ chỉ cần chế biến và giữ nguyên các hương vị sẵn có của món ăn. Trong thịt, cá, rau củ cũng đã có sẵn lượng gia vị nhất định để cung cấp cho cơ thể trẻ.

Trên 12 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho gia vị vào bữa ăn của trẻ. Tuy nhiên, cần nêm nếm theo liều lượng nhất định, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

4. Những loại thực phẩm giúp tăng mùi vị cho bữa ăn và hàm lượng phù hợp

Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, mẹ tuyệt đối không nên nêm nếm bất kì loại gia vị nào cho trẻ. Tuy nhiên, khi đã quen với việc ăn dặm, trẻ có thể sẽ thấy ngán ngẩm và bắt đầu lười ăn. Lúc này, mẹ có thể sử dụng một số loại gia vị sau để làm tăng mùi vị món ăn cho con: vani, tiêu, tỏi nghiền nhỏ hay bột, húng quế, thì là, kinh giới, vỏ chanh, gừng, quế, bạc hà,…

Dầu oliu: Mẹ có thể thêm loại gia vị này khi trẻ đã được khoảng 7-8 tháng nhằm cung cấp chất béo cho con. Lượng dầu oliu nên cho vào mỗi bữa ăn là khoảng 1/4 muỗng cà phê (1g) là an toàn nhất. Ngoài ra, mẹ có thể thay bằng bơ nhưng nên chọn loại bơ không muối để tốt cho bé. 

Đường: Đường có trong nhiều thực phẩm như rau củ, hoa quả. Mẹ có thể sử dụng khoai lang, bí đỏ, táo… để tạo vị ngọt cho bữa ăn của trẻ

5. Những gia vị không nên cho trẻ ăn dặm

Có một vài gia vị mẹ tuyệt đối không được cho để đảm bảo bé phát triển bình thường. Gia vị được các chuyên gia nhắc đến nhiều nhất là muối.

Thức ăn dặm cho bé cần một lượng muối vừa đủ. Natri và Clo là thành phần chủ yếu có trong muối và là hai nguyên tố có vai trò hết sức quan trọng trong cân bằng thể dịch trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, hoạt động chức năng của tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Điều này có nghĩa rằng trong tất cả các giai đoạn phát triển trẻ đều cần bổ sung muối. Tuy nhiên, tùy vào từng giai đoạn mà lượng muối cung cấp là khác nhau. Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam đã được Bộ Y tế phê duyệt ngày 16/6/2016, theo đó, nhu cầu về Natri/muối cho trẻ nhỏ được khuyến nghị như sau:

Nhóm tuổi

Natri (mg/ngày)

Muối (g/ngày)

0 - 5 tháng

100

0,3

6 - 11 tháng

600

1,5

1 - 2 tuổi

< 900

2,3

Trong 1 ngày, lượng muối cần nạp vào cơ thể bé rất ít. Lượng muối này được cung cấp qua nguồn sữa mẹ hoặc sữa công thức, và trong một số thực phẩm hằng ngày như sữa, trứng, thịt, rau tươi,... đều đã đủ natri cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi.

Trước khi bé được 3 tuổi, mẹ không nên cho muối vào thức ăn dặm của bé. Khi trẻ ăn thừa lượng muối thì lượng dư này sẽ được thải qua nước tiểu. Lượng muối quá nhiều sẽ là gánh nặng cho phần thận vẫn còn non nớt. Thận làm việc “cật lực” hơn, lâu dài dễ đưa đến các bệnh tăng huyết áp, suy thận, rối loạn nhịp tim,…Đồng thời khi ăn mặn trẻ sẽ cảm thấy khát, khi đó lượng nước uống vào sẽ tăng, nếu vượt mức cần thiết thì tăng áp lực thẩm thấu vào máu, nước được tích giữ làm hại hệ tim mạch.

Hàm lượng muối thừa cũng là nguyên nhân khiến trẻ béo phì. Việc ăn nhiều muối cũng làm cho cơ thể kém hấp thu kẽm, gây nên tình trạng biếng ăn, khó ngủ và chậm lớn. Ngoài ra, cũng có những bằng chứng cho thấy ăn nhiều muối trong giai đoạn ăn dặm sẽ gây tổn thương não bộ.

6. Những lưu ý khi thêm gia vị cho bé ăn dặm

Khi bắt đầu cho gia vị vào thức ăn của bé, ba mẹ vẫn phải rất cẩn trọng. Bởi nếu lỡ tay cho quá nhiều hay quá ít các loại gia vị đều gây những ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của bé. Do đó, khi bắt đầu cho trẻ tiếp xúc gia vị, ba mẹ nên chú ý những điều sau:

Cho bé tiếp xúc với các gia vị lành tính: Mẹ nên cho bé tập làm quen với gia vị bằng các loại gia vị thảo mộc lành tính trước. Nếu không dị ứng gì, mẹ mới nên nếm các gia vị vào món ăn.

Tăng dần lượng gia vị: Trẻ ăn nhạt hơn người lớn rất nhiều. Mẹ tuyệt đối không được nêm liều lượng gia vị như khẩu phần của người lớn được. Khi bắt đầu nêm gia vị cho bé ăn dặm, mẹ chỉ nên thêm 1 chút xíu gia vị cho bé quen dần. Nếu thấy không vấn đề gì, mẹ có thể thêm liều lượng từ từ về sau. 

Không trộn lẫn các gia vị: Ở giai đoạn sơ sinh, bé hoàn toàn không phân biệt được bất cứ gia vị gì. Mẹ nên cho bé ăn từng loại gia vị để bé tập làm quen và biết phân biệt các loại gia vị. Một thời gian thì hãy đổi gia vị để phong phú vị giác của bé. Mẹ tuyệt đối không được trộn lẫn gia vị, cản trở khả năng vị giác của trẻ trong tương lai. Hơn nữa, hỗn hợp gia vị sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến hệ tiêu hóa còn chưa hoàn thiện. Điều này thực sự nguy hiểm.

Gia vị thay thế: Mẹ có thể thay thế muối bằng phô mai vì trong phô mai cũng có hàm lượng muối nhất định, lại giàu dinh dưỡng rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Ba mẹ có thể cho một lượng phô mai phù hợp vào bột/cháo của trẻ để có vị mặn thay vì dùng muối/nước mắm. Với cách làm này, bột/cháo của trẻ cũng sẽ thơm, ngon, ngậy và không quá nhạt.

Không pha gia vị vào sữa: Tuyệt đối không pha bất kỳ các loại gia vị, chất tạo mùi vị vào sữa công thức hoặc sữa mẹ cho bé uống

Tham khảo lời khuyên của chuyên gia: Ăn dặm là thời điểm rất quan trọng. Do vậy, mọi sự cẩn thận đều không thừa thãi. Ba mẹ nên đến xin ý kiến chuyên gia trước khi thêm gia vị vào cho bé.

Source: Filiberto Jakubowski
Categories: Tin tức ,

Categories